Cứ nhắc đến startup bạn có thể hình dung những khó khăn trong giai đoạn này như thế nào: khó khăn về nguồn lực, khó khăn về tài chính, khó khăn về quản lý,… Nếu doanh nghiệp không được điều hành “đúng”, “chuẩn” thì rất dễ gặp phải những sai lầm. Sai lầm lần đầu khởi nghiệp sẽ ảnh hưởng tâm lý rất nhiều trên con đường phát triển sự nghiệp của bạn.
Đội ngũ điều hành công ty rất quan trọng. Trong các câu chuyện startup thành công đều tập trung vào các CEO, vào chuyện gọi vốn, doanh số và tiếp thị. Để các nhà sáng lập và CEO nhận được lời khen ngợi và sự ngưỡng mộ ấy có hẳn một bộ máy những con người “thầm lặng” bên dưới hàng ngày tích góp tạo nên sự thành công ấy.
Một ý tưởng tốt và một lãnh đạo giỏi sẽ thể hiện ở đội ngũ nhân viên thực thi. Người ta cho rằng, chính năng lực điều hành hoạt động đã tạo nên sự khác biệt và quyết định sự thất bại và thành công của một doanh nghiệp. 4 sai lầm phổ biến dưới đây bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể mắc phải khi khởi nghiệp.
1. Không thể thuê một nhà điều hành thực thụ
Thuật ngữ “nhà điều hành” (operator) được nhắc đến rất nhiều trong hệ thống doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều startup vẫn nhầm tưởng rằng CEO hoặc nhà sáng lập chính là người điều hành hoạt động.
Theo quan điểm của Peter Drucker, Các nhà điều hành là những người hành động, họ thực hiện kế hoạch. Kiến thức là vô dụng với những nhà điều hành cho đến khi kiến thức đó được chuyển hoá thành hành động. Nói một cách đơn giản họ là người thực thi.
Thực tế cho thấy rất khó tìm được người vừa nhìn xa trông rộng, vừa sở hữu những kỹ năng để có thể vận hành hoạt động hằng ngày. Với nguồn lực còn non yếu, hầu hết các doanh nghiệp đều khởi sự với một người sáng lập không đủ khả năng đảm đương vai trò COO (Chief Operating Officer). Nếu muốn doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển bạn nhất định phải tìm được người có khả năng đảm nhiệm vai trò COO. Chiến lược, ý tưởng tốt mà không có người thực thi thì cũng thành vô nghĩa.
2. Lãnh đạo yếu kém ở vị trí COO
Nhà điều hành có thể thiết kế, vận hành các hệ thống và tiến hành những bước đi cần thiết để tạo ra một sản phẩm đồng thời thực hiện hóa tầm nhìn của nhà sáng lập. Một COO yếu kém sẽ không thể tạo ra và vận hành hệ thống có hiệu lực. Nhân viên cấp dưới không biết mình phải làm gì. Cả nhân viên và sếp đều lẩn tránh trách nhiệm. Khi xảy ra sơ suất họ sẵn sàng đổ lỗi cho nhau, thậm chí đổ lỗi cho nhân tố thứ 3 tác động.
Ngược lại, một COO giỏi sẽ biết rằng trách nhiệm giải trình là chìa khóa để xây dựng một tổ chức được vận hành theo quy trình. Họ cũng hiểu rằng trách nhiệm giải trình bắt đầu từ chính họ và họ là người chịu trách nhiệm cho mọi thứ xảy ra trong bộ phận điều hành.
3. Không thể lên kế hoạch trước
Trước khi biến những thứ trong đầu nghĩ thành hành động, nhà điều hành cần xác định kế hoạch hành động trước. Nhiệm vụ của COO phải đảm bảo được rằng mọi thứ đang diễn ra trơn tru và đầu ra sản phẩm là ổn định.
Bạn cần suy nghĩ về kết quả mình mong muốn nhất, những hạn chế, rủi ro có thể xảy ra, thời gian để thực hiện từng công đoạn cụ thể. Dự đoán trước tình hình tương lai sẽ như thế nào, có gì thay đổi và những chỉ số đánh giá.
Andrew Grove, đồng sáng lập của Intel, từng có một phát ngôn nổi tiếng: “chỉ có những người hoang tưởng mới có thể tồn tại”. Người điều hành giỏi dành thời gian để hình dung và dự đoán những thách thức tiềm ẩn có thể đe dọa sự thành công của công ty.
4. Yếu kém trong cấu trúc tổ chức
Cấu trúc tổ chức của mỗi doanh nghiệp là khác nhau phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp, không doanh nghiệp nào giống doanh nghiệp nào. Đó là lý do vì sao có những cách vận hành mà các doanh nghiệp xuất sắc theo đuổi còn những doanh nghiệp trẻ lại bỏ qua.
Nếu cách tổ chức doanh nghiệp quá độc tài, quyền lực chỉ xoay quanh vị trí COO, nhân viên không được quyết định, không được đóng góp tích cực cho tổ chức thì cũng khó phát triển doanh nghiệp. Mặt khác, cách tổ chức quá rộng bao gồm cả chức năng lẫn vai trò không nên gộp chung vào bộ phận điều hành. Một COO giỏi sẽ chỉ tập trung và điều hành.
Trên đây là 4 điều nghĩ là nhỏ nhưng nếu bỏ qua nó sẽ thành 4 sai lầm lớn trong điều hành. Startup thành hay bại của công ty không nằm ở ý tưởng. Ý tưởng có hay đến đâu mà nằm trên giấy không được thực thi thì cũng chỉ là đống giấy lộn. Hãy đảm bảo rằng, bộ máy điều hành của mình phải thật tốt thì quy trình mới có thể vận hành trơn tru.