Tuyển dụng được nhân viên giỏi cho công ty đã khó việc giữ chân họ ở lại làm việc lâu dài với công ty lại càng khó hơn. Với sự cạnh tranh nguồn nhân lực của các công ty TOP đầu, nhân viên giỏi luôn có sự lựa chọn làm việc tại môi trường tốt hơn. 3 điều dưới đây là 3 bảo bối giúp nhà quản lý nhân sự “buộc” nhân viên phải gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Phải quan tâm nhân viên ngay từ ngày đầu tiên họ nhận việc
Người ta thường nói, lần gặp gỡ đầu tiên bao giờ cùng quan trọng nhất, bởi vậy hãy gây ấn tượng tốt đẹp và để họ nhớ mãi về sau. Thông thường tại các doanh nghiệp của Việt Nam, ngày đầu tiên nhân viên đến nhận việc, trưởng phòng nhân sự hoặc nhân viên nhân sự thường chỉ dẫn họ đi một vòng qua các phòng ban để giới thiệu. Thậm chí đối với các công ty nhỏ, họ còn không dẫn nhân viên mới đi giới thiệu với các phòng ban và “nhét” họ vào tạm một chỗ trống. Đó là cách quản lý nhân sự không chuyên nghiệp.
Nhân viên mới sẽ cảm thấy vô cùng “bỡ ngỡ” trong ngày đầu tiên đi làm, việc quan tâm họ sẽ làm họ như có “chỗ dựa” để bớt căng thẳng và lo lắng. Nói như Mary Spencer, cán bộ phụ trách nhân sự một công ty thuộc tập đoàn đa quốc gia chuyên về dịch vụ tư vấn và phát triển nguồn nhân lực tại Anh: “Việc đón nhân viên mới vào công ty là một công việc quan trọng.”
"Tôi có nghiên cứu một số tài liệu, trong đó nói rằng, ấn tượng tốt đẹp trong ngày đầu tiên làm việc sẽ là một trong những yếu tố giữ chân nhân viên lại với công ty sau này. Và việc chuẩn bị đón nhân viên một cách chu đáo sẽ thôi thúc họ cố gắng hết mình để bắt kịp tính chuyên nghiệp của công ty", Mary cho biết thêm.
Trong ngày đầu tiên nhận việc, nhà quản lý nhân sự cần phổ biến nội quy, quy định của công ty và các vấn đề liên quan khác để nhân viên nắm bắt và cảm thấy mình đã trở thành thành viên của công ty chứ không phải “tạm bợ”.
Mary Spencer phân tích: "Một khi đã thẳng thắn chỉ cho nhân viên biết điều gì họ được khuyến khích làm, điều gì không nên làm ngay từ buổi đầu tiên, bạn sẽ thấy rằng việc quản lý sau này trở nên nhẹ nhàng và thuận lợi hơn cho cả công ty và người lao động".
Hãy rõ ràng và thẳng thắn với nhau ngay từ đầu để nhân viên cảm thấy quyết định lựa chọn công ty này của mình là đúng đắn và có hướng đi mục đích rõ ràng gắn bó lâu dài với công ty bởi môi trường làm việc tốt.
Xác định mục tiêu làm việc và có lộ trình thăng tiến rõ ràng
Nhiệm vụ của nhà quản lý nhân sự là ngay từ đầu đã vạch ra cho nhân viên mục tiêu làm việc và lộ trình thăng tiến rõ ràng. Nhân viên đi làm phải có mục tiêu đặt ra, đó có thể là mục tiêu cá nhân hoặc có thể là mục tiêu của doanh nghiệp. Khi họ có mục tiêu làm việc rõ ràng, họ sẽ có thể tự đánh giá được kết quả công việc mình đạt được.
Nhân viên làm việc nhưng không biết mình “làm để làm gì?” thì sẽ nhanh chóng chán nản và bỏ cuộc. Việc vạch sẵn mục tiêu làm việc cho nhân viên giúp họ định hướng đúng đắn họ có vai trò gì trong công ty và khi họ hoàn thành công việc của mình công ty sẽ “trả công” họ như thế nào, có xứng đáng với sức lực họ bỏ ra hay không?
Và đặc biệt, muốn giữ chân nhân viên làm việc lâu dài với công ty, các nhà quản lý nhân sự phải phối hợp với nhà lãnh đạo đưa ra một lộ trình thăng tiến rõ ràng cho nhân viên. Khi nhân viên đã cố gắng hoàn thành tất cả các công việc mà họ nhận lại mọi thứ vẫn “giậm chân tại chỗ” thì liệu họ còn muốn tiếp tục làm việc.
Hãy đưa cho họ một lộ trình thăng tiến rõ ràng để họ phấn đấu từng ngày, làm tốt cả những việc nhỏ nhất để leo lên mức thang cao nhất mà họ kỳ vọng. Đặc biệt, cũng đừng quá khắt khe trong việc kiểm soát công việc của họ. Đa phần những nhân viên thời nay đều có tư duy phóng khoáng và ghét sự gò bó. Hãy để cho họ làm việc và sáng tạo theo phong cách riêng của mình miễn là mục tiêu cuối cùng bạn cần ở họ, họ đạt được.
Trở thành “nhà tâm lý” của nhân viên
Một nhà quản lý nhân sự giỏi có thể khiến nhân viên của mình phát huy hết năng lực và sự nhiệt tình trong công việc. Muốn làm được điều đó, nhà quản lý phải khiêm “nhà tâm lý” luôn lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm với nhân viên. Hãy thường xuyên tham khảo ý kiến nhân viên trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong công việc để họ cảm thấy rằng mình được tôn trọng, mình được lắng nghe và đóng góp ý kiến.
Bên cạnh việc “chăm sóc” nhân viên của mình trong giờ làm việc, nhà quản lý nhân sự cũng nên tổ chức những hoạt động mang tính chất vui chơi, giải trí giúp xả stress công việc và tăng sự đoàn kết gắn bó giữa các thành viên trong công ty. Qua những hoạt động ngoài giờ làm để đánh dấu hay kỷ niệm những dịp đặc biệt của công ty, nhân viên thêm gần gũi và có cảm giác họ đang làm việc với những người thân trong gia đình mình.
Xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp ấy là điều không hề dễ dàng đòi hỏi nhà quản lý phải cực kỳ tinh tế và có cách cư xử khéo léo với tất cả các nhân viên. Khi nhân viên cảm thấy họ được làm việc trong môi trường tốt, có cơ hội phát triển và thăng tiến, đồng nghiệp bạn bè luôn giúp đỡ nhau trong công việc thì không cớ gì họ lại bỏ công ty để tìm một môi trường khác. 3 điều trên là “cẩm nang bỏ túi” dành cho các nhà quản lý nhân sự trong thời buổi “doanh nghiệp là của nhân viên”.