“Làm việc chăm chỉ không bằng làm việc thông minh”. Nhiều người vẫn nghĩ rằng muốn thành công là phải làm việc ngày đêm quên ăn quên ngủ. Tương lai của bạn sẽ bị trì trệ theo cái bạn cho là “có công mài sắt có ngày nên kim”, đến văn phòng sớm nhất vào buổi sáng, là người cuối cùng rời khỏi công ty mỗi tối không có nghĩa là bạn là người thể hiện tốt nhất. Không thể phủ nhận rằng, chăm chỉ sẽ là chìa khóa giúp bạn mở chiếc cửa thành công. Tuy nhiên cứ “lọ mọ”, cần mẫn, chậm chạp không phải là phong cách làm việc của người hiện đại.
Dưới đây là 5 dấu hiệu cho thấy bạn đã trở thành “gã nghiện” công việc không phải đường phải lối. Nếu không khắc phục và “cai nghiện” con đường sự nghiệp của bạn khó mà thành công được.
1. Không thể quyết định được những thứ cần ưu tiên
Không phải cứ làm nhiều việc một lúc hay mỗi lĩnh vực có sự đóng góp một chút là bạn đã thành công. Người thành công không ôm đồm quá nhiều việc. Bởi họ hiểu được sở trường của họ là gì, đam mê của họ là gì. Mỗi ngày họ thường tập trung làm 3 việc quan trọng nhất theo thứ tự ưu tiên và cố gắng hoàn thành một cách xuất sắc những công việc ấy.
Làm quá nhiều công việc cùng một lúc chỉ khiến bạn bị “điên loạn” không biết phải xoay sở như thế nào giữa một núi các công việc. Sự điên loạn dẫn đến căng thẳng và stress, bạn sẽ chẳng thể làm được việc gì nếu rơi vào trạng thái đó.
2. Lúc nào cũng bận rộn
Nếu bạn đang bị bạn bè réo tên là con người của công việc nhưng thực tế bạn vẫn cảm thấy mình chưa tiến bộ hay chưa có một bước phát triển nào mới thì có lẽ bạn nên xem lại cách làm việc của chính mình.
Không phải lúc nào cũng cắm mặt vào công việc sẽ mang lại cho bạn những thành quả. Hiệu quả công việc là chỉ số giúp đánh giá cả quá trình bạn đã làm việc như thế nào. Nếu thời gian làm việc của bạn nhiều hơn người khác thì kết quả bạn đạt được cũng phải hơn người khác.
Trong khi những người thành công chủ động kiểm soát được thời gian và hiệu quả công việc thì những người được cho là “gã nghiện” công việc không cảm thấy an toàn nếu thời gian làm việc bị trống. Đây không phải là phong thái làm việc trong cuộc sống hiện đại. Sự kết hợp giữa công việc và cuộc sống và việc cân bằng nó vẫn được những người thành công ưu tiên hàng đầu.
3. Luôn muốn sự công nhận từ những người khác
Một trong những nguyên do khiến bạn trở thành “gã nghiện” công việc đó chính là bạn muốn người khác công nhận bạn, công nhận là bạn giỏi, công nhận là bạn nỗ lực. Tuy nhiên, mọi người sẽ nhìn vào kết quả để đánh giá năng lực của bạn chứ không nhìn vào quá trình bạn đã cố gắng, chăm chỉ. Sự chăm chỉ của bạn không mang lại hiệu quả công việc thì cũng đổ xuống sông xuống bể.
4. Không bao giờ biết khi nào là đủ
Khi đã đạt được những mục tiêu mình đặt ra, bạn sẽ có xu hướng đề ra những mục tiêu lớn hơn để cố gắng, phấn đấu hơn nữa. Đó là điều tốt, tuy nhiên đối với những người “nghiện” công việc họ luôn rơi vào trạng thái không biết mình cần gì và thứ họ cần với họ không bao giờ là đủ.
5. Không chăm sóc bản thân một cách nghiêm túc
Cách mà người ‘nghiện’ công việc làm là luôn đặt nhu cầu của người khác lên trên hết. Họ nghĩ rằng mình làm việc là để đáp ứng yêu cầu của người khác. Mặc dù đó là cách nghĩ tích cực nhưng họ đang tự làm khổ chính bản thân mình, đang tự vắt kiệt sức lực của mình để phục vụ người khác.
Nên nhớ rằng, bạn chỉ thực sự làm việc tốt khi đối xử tốt với bản thân mình. Sẽ chẳng có sự thành công nào khi sức khỏe bạn không thể lấy lại được. Cũng không muốn ai khi vừa chạm đến đích của thành công lại ngã gục.
"Một người làm việc tốt sẽ đặt bản thân lên hàng đầu vì họ biết rằng chỉ khi chăm sóc bản thân tốt thì sau đó họ mới có thể giúp ích được cho người khác ở mức độ cao hơn. Đôi khi điều đó có vẻ ích kỷ, nhưng thực ra là không phải, bởi vì họ muốn cung cấp dịch vụ tốt nhất cho những người họ làm việc cùng và những người họ làm việc cho." – trích từ một bài đăng trên LinkedIn năm 2014 của tác giả Gordon.