Quá trình khởi nghiệp bao giờ cũng gian nan, vất vả đòi hỏi người kinh doanh phải rất kiên trì và không ngừng cố gắng, nỗ lực. Nếu bạn thấy bản thân vẫn còn những “dấu hiệu” sau thì chuyên gia khuyên bạn chớ có vội vàng khởi nghiệp.
1. Thiếu “máu liều”
Nếu thiếu “máu liều” bạn sẽ không thể kinh doanh bất cứ một loại hình nào. Bởi kinh doanh là một quá trình nhìn vào hiện tại để dự đoán tương lai. Đặc biệt khi khởi nghiệp bạn phải tự dự tính được rằng số tiền đủ để công ty tồn tại trong vòng bao nhiêu lâu và hiểu rõ được startup có khả năng không thể sinh lời thì bạn sẽ giải quyết thế nào.
Theo hãng tư vấn tài chính cho doanh nghiệp nhỉ Fundera, có khoảng 70% các doanh nghiệp khởi nghiệp không thể tồn tại vượt qua năm thứ 10. Mặc dù các sản phẩm và dịch vụ của công ty có thể rất tốt nhưng vẫn có những rào cản ngoài dự kiến do cạn tiền hoặc mất động lực tăng trưởng.
Lời khuyên của Langer-Croager, người đồng sáng lập của Uptima Business Bootcamp dành cho các nhà kinh doanh: “Để giải quyết rủi ro này, mỗi doanh nhân nên đưa vào dự tính riêng của mình, việc khi nào công ty có thể sinh lời và trả lương cho người sáng lập. Lịch trình dự tính này nên gắn liền với tình hình tài chính của những người sáng lập.”
“Máu liều” còn được thể hiện trong việc nếu công ty ấy đứng trước những cơ hội và những rủi ro, thách thức liệu rằng nhà kinh doanh có dám đối mặt và giải quyết nó. “Máu liều” của nhà kinh doanh sẽ mang lại cho doanh nghiệp những cơ hội lớn nếu cơ hội đó là cơ hội chín muồi và có khả năng thành công lớn.
2. Có “tư duy khan hiếm”
Thành lập một công ty, nhà kinh doanh cần có một lượng kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực mình làm để có thể giải quyết công việc và ngay cả khi phải đối mặt với những khủng hoảng họ cũng phải đưa ra được cách giải quyết.
Theo Langer-Croager : "Những người có 'tư duy khan hiếm' thường nghĩ rằng không có đủ cơ hội hay nguồn lực cho họ.” Đó chính là lý do, các công ty khởi nghiệp thường bị “do dự” trước những cơ hội của chính mình. Họ nghĩ rằng bản thân họ và công ty của họ còn quá non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa thể thử sức với những cơ hội lớn. Đặc biệt, khi công ty rơi vào khủng hoảng họ sẽ không biết phải làm thế nào để giải quyết khủng hoảng đó dẫn đến thất bại nhanh chóng.
3. Đặt lợi nhuận lên hàng đầu
“Lợi nhuận” chính là mục đích cuối cùng của các nhà kinh doanh nhưng đừng đặt nặng vấn đề tiền lên hàng đầu. Theo Small Business Trends, chỉ 40% startup thực sự có lợi nhuận và 82% công ty nhỏ thất bại do những vấn đề về dòng tiền.
Dòng tiền được thể hiện bởi con số số tiền chảy vào và số tiền ra khỏi doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp non trẻ quan tâm số tiền chảy vào mà không hề để tâm những con số phải chi ra cho doanh nghiệp. Những con số đó có thể là: thuế, tiền thuê văn phòng, lương và thưởng cho nhân viên. Các nhà khởi nghiệp chỉ chăm chăm vào lợi nhuận của công ty, làm thế nào để kiếm được nhiều tiền nhất và nhanh nhất còn những gì công ty phải chi trả dường như họ chẳng quan tâm.
Langer-Croager cho biết một startup có thể mất nhiều năm để sinh đủ lợi nhuận để người sáng lập có thể tự trả lương cho mình. “Nếu cố gắng kiếm tiền thật nhanh, bạn sẽ phải chịu rất nhiều áp lực khi startup không phát triển theo đúng cách (để có thể sinh lời)", Langer-Croager chia sẻ thêm.
4. Không hiểu các số liệu kinh doanh
Thất bại do không hiểu các số liệu kinh doanh là điều dễ dàng có thể hiểu được và tốt nhất bạn đừng nên làm kinh doanh nữa. Bạn chẳng hiểu gì về những con số thì những quyết định bạn đưa ra sẽ chỉ là những quyết định theo cảm tính mà không hề có một cơ sở cụ thể và chính xác, rõ ràng nào. Bạn cũng chẳng thể biết được vấn đề tài chính của doanh nghiệp đang gặp phải vấn đề gì để đưa ra những giải pháp điều chỉnh hợp lý. Điều đó dẫn đến công ty bạn thất bại là điều đương nhiên.
5. Không có kế hoạch kinh doanh
Làm bất cứ một thứ gì mà không lên kế hoạch cụ thể rõ ràng thì làm sao bạn có hướng đi rõ ràng. Điều đầu tiên khi bắt đầu xây dựng một công ty bạn phải tiến hành nghiên cứu thị trường và xây dựng một kế hoạch kinh doanh. “Kế hoạch kinh doanh” là kim chỉ nam để tất cả các thứ khác đi theo nó đến mục tiêu và sứ mệnh cuối cùng. Theo nghiên cứu từ Đại học Michigan, một kế hoạch kinh doanh tốt giúp tăng cơ hội tồn tại cho startup.
6. Chưa thử nghiệm các ý tưởng kinh doanh trong thị trường
Mục tiêu cuối cùng của việc kinh doanh chính là bán được hàng. Để làm được điều đó, bạn phải lên một kế hoạch quá trình lâu dài. Không phải một sớm một chiều mà sản phẩm của bạn xuất hiện được trên thị trường. Và khi xuất hiện trên thị trường rồi làm thế nào để sản phẩm của bạn được đón nhận lại là một điều khác. Muốn khách hàng biết, khách hàng tìm đến sản phẩm của mình, bạn phải nghiên cứu thị trường, nghiên cứu tâm lý khách hàng và đưa ra những “giải pháp” để giải quyết nhu cầu của khách hàng. Không thử không làm việc với thị trường thì sản phẩm của bạn mãi mãi chỉ được cất trong kho không ai biết đến.
Nói như Langer-Croager: “Bạn có thể mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để tạo ra một thứ gì đó không được thị trường chấp nhận.” Thời gian đầu bao giờ cũng khó khăn và thách thức nhưng vượt qua được nó bạn sẽ làm được những thứ đằng sau trơn tru.
7. Không sẵn sàng ra ngoài tiếp thị ý tưởng của mình
Một trong những cách mà có thể đưa sản phẩm đến với khách hàng nhanh nhất bạn nên đi ra ngoài và tiếp thị chính bản thân, sản phẩm của mình. Việc tiếp thị ấy có thể gián tiếp hoặc trực tiếp để đầu tiên khách hàng nhớ tên sản phẩm của bạn, thứ hai khách hàng tò mò tìm hiểu sản phẩm và cuối cùng là thôi thúc họ sử dụng sản phẩm và đưa ra những phản hồi về sản phẩm. Thật khó thành công nếu những nhà kinh doanh còn không thể vượt qua nỗi sợ hãi bị phán xét của thị trường và khách hàng.
Có rất nhiều cách để bạn có thể tiếp thị ý tưởng, sản phẩm của mình đến với đông đảo khách hàng mà không phải tốn chi phí quảng cáo như: tham dự các cuộc thi, tham dự các chương trình đào tạo, xây dựng mối quan hệ với người có tầm quan trọng trong cùng lĩnh vực,…
8. Khả năng tự vận động kém
Vẫn biết rằng doanh nghiệp không thể thành công nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ những nhân vật khác. Tuy vậy, việc tự thân vận động là điều vô cùng cần thiết của bất cứ nhà kinh nghiệp nào. Nó cho thấy được khả năng thành lập và điều hành một doanh nghiệp từ nguồn lực cá nhân mà không cần thêm nguồn lực từ bên ngoài. Tự thân vận động là điều cần có nhưng các nhà kinh doanh cũng nên biết áp dụng linh hoạt khi nào thì nên tự thân vận động khi nào thì cần sự giúp đỡ hỗ trợ của người khác. Đừng cố gắng đi một mình trong suốt chặng đường dài, bạn sẽ rất dễ đuối sức và nhanh chóng gục ngã.
8 điều trên là 8 nhược điểm không nên có của một nhà startup, nếu bạn đang mắc phải 1 trong 8 điều đó hãy khắc phục nó ngay để không có những “hối tiếc” khi thành lập một doanh nghiệp.