Làm việc trong môi trường công nghệ số, công việc hầu hết đều được diễn ra trên chiếc laptop cá nhân có kết nối Internet. Một câu hỏi đặt ra với nhiều nhà quản trị nhân sự rằng có nên áp dụng cho nhân viên làm việc theo giờ linh hoạt và làm việc tại nhà nhiều hơn không?
Dưới đây là một số mặt tích cực khi áp dụng thời gian làm việc linh hoạt cho nhân viên, nhà quản trị nhân sự có thể tham khảo để khéo léo học hỏi theo.
1. Tăng năng suất lao động
Bạn có thể đảm bảo chắc chắn rằng thời gian làm việc tại nơi công sở 8 tiếng mỗi ngày sẽ đảm bảo được năng suất làm việc cho nhân viên hay không? Nơi công sở như một xã hội thu nhỏ thường rất ồn ào và khó tập trung làm việc.
Nhân viên ngày nay có xu hướng muốn cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống. Họ nhận thấy rằng khi bản thân có tâm thế thoải mái nhất, sẵn sàng làm việc thì bất kể là văn phòng hay ở nhà họ đều có thể làm tốt.
Nhiều người sẽ thích làm việc vào buổi sáng sớm với một tách café nhưng có những người lại chỉ tập trung vào buổi đêm yên tĩnh. Khi nhà quản trị nhân sự áp dụng thời gian làm việc linh hoạt cho nhân viên họ sẽ tự biết sắp xếp thời gian nào là tốt nhất để họ làm việc hiệu quả.
2. Tăng khả năng tư duy và sáng tạo
Thực tế có thể thấy, bạn chỉ thực sự làm việc hiệu quả khi bạn thoải mái và không bị trói buộc bởi bất cứ thứ gì. Deadline sinh ra nhằm quản lý quá trình hoàn thành công việc của nhân viên nhưng nó cũng vô hình chung trở thành “gánh nặng” cho người lao động. Khi bị thúc ép bởi những deadline họ sẽ rơi vào tâm thế chán nản, nhanh chóng bị kiệt sức và cảm thấy mình cần làm việc để hoàn thành số lượng chứ không phải chất lượng.
Làm việc trong thời gian linh hoạt sẽ giúp bạn thoải mái đầu óc dễ nảy sinh ra những ý tưởng độc đáo, sáng tạo và mới lạ. Thực tế chứng minh, những tác phẩm nghệ thuật để đời của người nghệ sĩ luôn được ra đời theo nguồn cảm hứng trong khoảng thời gian họ không ngờ nhất.
3. Giảm chi phí tuyển dụng và tỷ lệ nhân viên nghỉ việc
Một trong những nguyên nhân khiến nhân viên của bạn nghỉ việc đó chính là họ cảm thấy không phù hợp với văn hóa làm việc tại doanh nghiệp. Những áp lực công việc khiến họ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng không thể vượt qua. Chính sách làm việc linh hoạt sẽ giúp nhân viên cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc – đem đến sự hài lòng, dễ chịu cho họ.
Rất nhiều người trẻ hiện nay, ưa chuộng cách làm việc theo giờ linh hoạt và họ bị thu hút bởi những nội dung mô tả ấy trên website tuyển dụng từ các nhà quản trị nhân sự. Chính vì vậy, doanh nghiệp bạn có thể thu hút nhiều ứng viên hơn và giảm thiểu được tỷ lệ nhân viên nghỉ việc.
4. Tăng khả năng làm việc nhóm
Không thiếu những ứng dụng giúp bạn có thể làm việc theo nhóm như Skype, Zalo, Facebook, Viber,… Các nhóm làm việc theo thời gian linh hoạt có khả năng gắn kết với nhau hơn, làm việc hiệu quả hơn, hỗ trợ nhau tốt hơn. Đặc biệt, cách làm việc này ít gây những mâu thuẫn hiểu lầm. Bởi đơn giản là họ không giáp mặt nhau 8 tiếng đồng hồ, tương tác ít hơn và hầu như đều liên quan đến công việc. Trong môi trường công sở, càng ít lời càng tránh được những mâu thuẫn không đáng có.
5. Làm việc được với nhân viên tài năng ở xa
Lợi ích của linh hoạt thời gian làm việc cho nhân viên là nhà quản trị nhân sự vẫn có thể kết nối với những nhân viên không thuộc địa bàn hoạt động của doanh nghiệp mình. Nếu trong một dự án bạn cần tuyển người có năng lực chuyên môn cao hoặc chuyên gia nước ngoài thì với cách áp dụng thời gian làm việc linh hoạt qua các thiết bị điện tử không là vấn đề khó khăn nữa, thậm chí là việc chênh lệch múi giờ.
6. Giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường
Thời gian làm việc linh hoạt được áp dụng - nhân viên không phải thường xuyên có mặt tại văn phòng, sử dụng những thiết bị ít hơn và lượng CO2 từ các phương tiện giao thông thải ra môi trường cũng ít hơn.
Lợi ích nhìn thấy rõ ràng cho các doanh nghiệp là tiết kiệm được chi phí sản xuất năng lượng cho doanh nghiệp. Đây cũng là cách thu hút những “công dân” quan tâm đến vấn đề môi trường khi mà nó đang ở mức báo động.
Mặc dù việc áp dụng thời gian làm việc linh hoạt không phải sẽ phù hợp các bất cứ ngành nghề nào hay bất kỳ lĩnh vực nào nhưng các công ty, tổ chức vẫn được khuyến khích áp dụng một cách khéo léo phù hợp mang lại lợi ích cho nhân viên và cho chính doanh nghiệp.