Trong quá trình khởi nghiệp thật chẳng dễ dàng để đi đến con đường thành công mà không nếm trải mùi vị của “sự thất bại”. Thất bại được cho là sản phẩm phụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên không ai muốn quá nhiều “sản phẩm phụ” mà không có sản phẩm chính. Những điều dưới đây buộc bất cứ startup nào muốn thành công phải ghi nhớ.
Đừng mù quáng trước các cơ hội kinh doanh
Việc nắm bắt cơ hội có thể mang đến cho ta thành công cũng có thể mang đến thất bại. Thành công khi cơ hội ta nắm bắt đã chín muồi, thất bại khi ta vội vàng “ăn tươi nốt sống” mà chưa phân tích rõ ràng, chưa có định hướng chiến lược cụ thể. Trong công việc kinh doanh, không phải cứ có cơ hội đến là ta phải chớp lấy ngay lập tức.
Chúng ta thường quên rằng có “điều kiện cần” mà không có “điều kiện đủ” thì thành công sẽ bị khuyết mất một nửa. Đứng trước một cơ hội, ta phải xem xét và phán đoán liệu đó có phải là cơ hội chín muồi chưa, khả năng thành công cho cơ hội này là bao nhiêu phần trăm? Mặc dù thành công thường đến với những người biết nắm bắt thời cơ nhưng đừng quên rằng, cơ hội đến từ chính bản thân chúng ta. Đừng để thất bại khi theo đuổi quá nhiều cơ hội mà không có một chiến lược định hướng nào cụ thể.
Thất bại là cần thiết, nhưng đừng để thất bại quá nhanh
Nhiều người hiểu được rằng, thành công và thất bại là một cặp song sinh, có thất bại thì mới có thành công. Tuy nhiên, thất bại như thế nào thì “đáng”? Một câu thần chú trong giới khởi nghiệp toàn cầu chính là “fail fast” – “rớt nhanh”. Một nhà làm kinh doanh muốn thành công phải gắn chặt với cái mình chọn và nếu thất bại thì lần sau hãy thử một hướng tiếp cận mới không đi theo vết xe đổ của thất bại trước.
Nếu thất bại để học hỏi chỉ để rút ra kinh nghiệm nhỏ nhặt thì có phải đó là bài học quá đắt không? Hãy chọn cách “thất bại” thông minh nhất và cũng “mất ít tiền nhất”. Đừng để bản thân thất vọng khi đang đào vàng và từ bỏ khi chỉ còn cách kho báu có vài cm nữa thôi.
Biết được mình là ai
Theo Kurt Theobald, người đồng sáng lập và CEO của Classy Llama, một công ty cung cấp các dịch vụ về thương mại điện tử như tiếp thị đã từng 10 lần thất bại trong quá trình khởi nghiệp để đi đến thành công ngày hôm nay chia sẻ: “Có 2 phẩm chất mà bất cứ nhà kinh doanh nào cũng phải có. Một là khi thất bại, anh luôn đứng dậy. Hai là anh đứng dậy vì anh xem bản thân mình là chủ một doanh nghiệp, nếu không tự vực dậy được bản thân, anh đã phản bội chính niềm tin của mình.”
“Bạn không thể dừng lại. Và bạn không có sự chọn lựa nào khác bởi vì nếu bạn đã quyết định đi theo con đường kinh doanh, tức là bạn đã đồng ý ký một hợp đồng hy sinh cả cuộc đời với nó.”, anh nói thêm.
Bất cứ ai cũng có thể thành công, bất cứ ai cũng có thể thất bại. Điều quan trọng là sau mỗi lần “thất bại” bạn đứng dậy và nhận ra rằng mình sẽ phải làm gì tiếp theo để không vấp ngã nữa. Bạn phải tự vực lại tinh thần cho chính mình bằng câu hỏi: “Bạn có phải là một nhà kinh doanh tiềm năng hay không? Hãy xác định rằng, bạn là ai và nếu bạn muốn thành công trong tương lai bạn cần phải làm gì?
Luôn đặt câu hỏi “Tại sao?”
Hãy luôn đặt ra những câu hỏi trong quá trình bắt đầu khởi nghiệp và cố gắng trả lời hết những câu hỏi đó. Câu hỏi bạn không đặt ra sẽ bao gồm: “Tại sao mình làm việc này?” “Mình làm nó với mục đích gì?” “Làm thế nào để mình thành công trong thời gian ngắn nhất?” “Liệu rằng, mình đã đi đúng hướng hay chưa?” Mục đích làm giàu của mỗi người là khác nhau nhưng cùng chung một điểm đó là “chinh phục” được chính bản thân mình với những khát khao và ước mơ.
Steve Jobs là một ví dụ điển hình. Khi ông quay trở lại Apple ông đã mất đi quyền kiểm soát công ty do mình tạo nên nhưng ông vẫn dành hết sức lực để làm việc. Bởi điều mà Steve Jobs thực sự quan tâm đó là việc truyền tải sự vĩ đại.
Mỗi lúc muốn ‘dừng lại” trên con đường đi tìm thành công hãy nhớ đến động lực gì thúc đẩy bạn khởi nghiệp? Hãy đào sâu hơn nữa vào trí óc của bạn để tìm nguồn gốc và động lực sâu xa nhất khiến bạn mở công ty. Nếu như mục đích của bạn chỉ là muốn giàu hơn một chút, muốn tự do hơn một chút, muốn độc lập hơn một chút thì nhanh chóng bạn sẽ bị những áp lực và stress đẩy ra khỏi cuộc chơi kinh doanh mà thôi.
Lợi nhuận không phải lúc nào cũng quan trọng
Một sai lầm của nhiều doanh nghiệp khi khởi nghiệp là chỉ chăm chăm vào “lợi nhuận”. Đối với một startup lợi nhuận rất quan trọng nhưng nếu chỉ chú tâm vào nó bạn sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn khác. Lợi nhuận chính là phần cuối cùng trong một mắt xích kinh doanh, để đạt được nó những mắt xích phía trước quan trọng hơn nhiều. Việc quan tâm đến các bộ phận khác, đảm bảo nó luôn được vận hành trơn tru mới có thể tăng lợi nhuận cuối cùng.
Khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng và đơn giản, nó cho thấy bạn khác biệt so với những người bình thường như nào. Hãy xác định mục tiêu mình hướng tới, quyết tâm kiên trì theo đuổi đến cùng và quan trọng hãy nhớ những bài học trên để chặng đường đi đến thành công được rút ngắn lại.