Câu chuyện ngụ ngôn ‘Rùa và Thỏ” đã quá quen thuộc với chúng ta. Song chứa đựng trong ý nghĩa của câu chuyện là những bài học kinh doanh thời nào cũng đúng đáng để các doanh nhân suy ngẫm và học hỏi.
1. Bài học cho tình huống thứ nhất
Ngày xửa ngày xưa, thỏ và rùa tranh cãi nhau xem ai nhanh hơn ai. Không ai chịu nhường ai nên chúng quyết định tổ chức một cuộc đua để phân thắng bại. Vốn dĩ nhanh nhẹn hơn rùa, thỏ xuất phát nhanh như tên bắn và bỏ xa rùa một đoạn dài. Chủ quan thỏ dừng lại nghỉ ngơi trước khi tiếp tục cuộc đua. Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa từ từ vượt qua thỏ và sớm kết thúc đường đua, giành chiến thắng. Thỏ giật mình tỉnh giấc và nhận ra rằng nó đã bị thua.
- Ý nghĩa: Chậm nhưng ổn định vẫn có thể chiến thắng.
2. Bài học cho tình huống thứ hai
Thỏ thất bại trong đau đớn. Nó tự nhận ra rằng mình thua là vì quá tự tin, bất cẩn và chủ quan. Nếu nó không “khinh địch” không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc thằng thì rùa không thể nào chiến thắng được nó.
Thỏ quyết định thách đấu với rùa lần nữa. Rùa đồng ý. Lần này, thỏ chạy với tất cả sức lực của nó và chạy suốt một mạch về đích. Nó bỏ xa rùa đến mấy dặm đường.
-
Ý nghĩa: Nhanh và vững chắc sẽ chiến thắng cái chậm và ổn định.
Trong kinh doanh một người làm việc chậm, nguyên tắc và đáng tin cậy so với một người làm việc nhanh, nguyên tắc và đáng tin cậy thì người nhanh vẫn được trọng dụng hơn. Chậm và chắc là điều tốt, nhưng nhanh và tin cậy là điều tốt hơn.
3. Bài học cho tình huống thứ ba
Sau thất bại trong cuộc đua với thỏ, rùa đã suy ngẫm và nhận ra rằng nó sẽ không thể chiến thắng thỏ đường đua trên cạn. Nó suy nghĩ thêm một tí nữa và rồi thách thỏ một cuộc đua khác, nhưng có một chút thay đổi về đường đua. Thỏ đồng ý. Họ bắt đầu cuộc đua.
Như đã tự hứa với lòng mình là phải luôn nhanh, thỏ bắt đầu chạy và chạy với tốc độ cao nhất cho đến bên bờ sông. Vạch đích đến lại còn đến 2 km nữa ở bên kia sông! Thỏ đành ngồi xuống và tự hỏi không biết làm sao đây. Trong lúc đó, rùa đã đến nơi, lội xuống sông và bơi qua bờ bên kia, tiếp tục chạy và kết thúc đường đua.
-
Ý nghĩa: Xác định ưu thế của mình trước khi lựa chọn sân chơi.
4. Bài học cho tình huống thứ tư
Sau 3 cuộc đua rùa đã thắng thỏ 2-1 nhưng khi chúng cùng ngồi lại và suy ngẫm chúng nhận thấy rằng vòng thi cuối cùng này cả hai sẽ có kết quả tốt hơn. Khác với những lần đua khác, lần này chúng quyết định sẽ chạy chung một đội.
Cuộc đua bắt đầu, thỏ cõng rùa chạy đến bên bờ sông, rùa lội xuống sông và cõng thỏ bơi qua bên kia bờ sông. Lên đến bờ, thỏ lại cõng rùa đưa cả hai cùng về đích. Chúng nhận ra rằng thời gian về đích của cuộc đua cuối cùng này nhanh hơn rất nhiều so với 3 lần đua trước.
-
Ý nghĩa: Hãy làm việc theo đội nhóm
Sự cố gắng của nhiều người vẫn hơn là sự cố gắng chỉ đến từ một người. Nhiều bộ não vẫn tốt hơn là một bộ não. Muốn đi xa, muốn làm việc lớn hãy làm cùng đội nhóm. Sự tương trợ, gắn kết giữa các thành viên trong nhóm sẽ giúp tổ chức của bạn cán đích nhanh nhất.
5. Bài học tổng kết
Từ câu chuyện rùa và thỏ, ta đều có thể thấy 2 con vật trong câu chuyện đều đáng để học hỏi. Lần đua thứ nhất, thỏ thất bại trong đau đớn và xấu hổ nhưng nó đã quyết tâm, hăng hái và cố gắng hơn rất nhiều sau khi nếm mùi thất bại. lần đua thứ hai, rùa là kẻ thua cuộc nhưng nó cũng không hề nản chí và chịu khuất phục. Rùa nhận ra rằng nguyên nhân khiến mình thất bại là do chiến lược không phù hợp. Muốn chiến thắng, nó buộc phải thay đổi chiến lược khác phù hợp hơn.
Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng, kẻ mạnh chưa chắc đã nắm phần thắng trong tay. Đối mặt với những thất bại, chớ vội nản chí, chớ có ý định bỏ cuộc. Thất bại để biết rằng mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa và đôi khi thất bại là “cái giá” phải trả để biết được rằng chiến lược này không phù hợp và phải tìm ra chiến lược khác. Và đặc biệt, thay vì cố gắng đối đầu với nhau thì hãy tìm ra tiếng nói chúng, tìm ra cách giải quyết vấn đề và làm việc chung với nhau. Điều đó sẽ có lợi cho cả đôi bên.