Nếu bán hàng là một nghệ thuật thì nhân viên bán hàng chính là một nghệ sĩ. Người bán hàng giỏi là sẽ “thôi miên” được khách hàng khiến họ nói không thành có và “rút tiền” ra để mua hàng. Để làm được như vậy, bạn phải quyết đoán đúng lúc và nhún nhường đúng chỗ. Những bí quyết “thu phục khách hàng” dưới đây sẽ giúp ích cho bạn trên hành trình trở thành nhân viên bán hàng tuyệt vời.
1. Luôn đặt khách hàng lên trên hết
Xét đến cuối cùng, những sản phẩm mà doanh nghiệp tạo ra đều nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhu cầu của khách được đáp ứng, doanh nghiệp sẽ thu được lợi nhuận để tiếp tục duy trì và phát triển công ty. Đó là một vòng tuần hoàn win – win nhưng khách hàng luôn là đối tượng được ưu tiên số 1.
Khách hàng có thể lựa chọn vô vàn các sản phẩm khác khi cảm thấy họ không được tôn trọng và bạn chẳng đủ tin tưởng. Mất khách hàng coi như bạn đã mất trắng do đó coi “khách hàng là thượng đế” bạn sẽ không bị thiệt đâu.
2. Trở thành người bạn đồng cảm với khách hàng
Trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, những nội dung tiếp thị đến từ doanh nghiệp chưa chắc đã nhận được sự tin tưởng và phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Bởi họ sẽ chỉ nhìn vào những đánh giá của những người xung quanh họ đã sử dụng sản phẩm và họ tin vào những đánh giá ấy.
Vì vậy trước khi trở thành nhân viên bán hàng tuyệt vời hãy là bạn một người bạn của khách hàng. Lắng nghe những gì họ muốn, hiểu được những vấn đề của họ từ đó tìm ra “thuốc chữa” là tất cả những gì người bán hàng cần làm.
3. Hãy là một chuyên gia trong lĩnh vực của bạn
Để thuyết phục hay tư vấn sản phẩm cho khách hàng thì bạn phải có những kiến thức và thông tin chuẩn xác nhất về sản phẩm. Khi khách hàng hỏi bạn phải bật ra câu trả lời một cách nhanh nhất, đúng trọng tâm và thỏa đáng.
Sẽ chẳng khách hàng nào dám mua hàng của bạn khi chính bạn còn chẳng hiểu rõ về sản phẩm. Nắm được những ưu điểm và nhược điểm của sản phẩm sẽ giúp bạn có những phương án xử lý phù hợp nhằm tăng khả năng thuyết phục khách hàng. Nên nhớ rằng, đối thủ cạnh tranh sẽ chẳng quan tâm đến ưu điểm sản phẩm của bạn mà họ chỉ bới móc những nhược điểm để tìm cách hạ gục bạn. Vì vậy, hãy nắm chắc mọi thứ về sản phẩm trước khi truyền đạt cho khách hàng.
4. Giữ liên lạc với khách hàng
Không phải cứ bán được hàng, bạn và người mua coi như chấm dứt mối quan hệ. Mối quan hệ ấy còn kéo dài và mang lại lợi ích lâu dài cho bạn nếu bạn biết cách ‘chăm sóc” khách hàng. Bạn đừng quên ghi lại tên cùng những thông tin của khách hàng sau cuộc trao đổi mua bán.
Chỉ cần một cuộc điện thoại hay một lời nhắn hỏi xem mức độ hài lòng về sản phẩm của khách hàng đến đâu cũng có thể biến một khách hàng bình thường thành một khách hàng trung thành trong tương lai. Một cách tự nhiên, những khách hàng này sẽ giới thiệu bạn cho những người khác, khi đó, con đường thăng tiến của bạn trở nên rộng mở.
5. Phong cách phù hợp
Bạn có nghĩ rằng khách hàng lựa chọn bạn đôi khi không phải vì sản phẩm và vì hình thức bên ngoài của bạn không? Vẻ bề ngoài vô cùng quan trọng và ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng khiến người khác nhớ lâu.
Tùy vào mặt hàng bạn bán hãy lựa chọn cho mình một phong cách ăn mặc thật phù hợp để dễ dàng tiếp với khách hàng. Một nhân viên bán xe hơi sẽ ăn mặc khác với một nhân viên bán quần áo. Thế nhưng nguyên tắc cơ bản vẫn là phải tươm tất, lịch sự và thân thiện.
6. Sẵn sàng cho một thái độ không hài lòng
Khách hàng có rất nhiều “kiểu”, mỗi kiểu bạn cần có cách trị khác nhau. Điều khác biệt giữa nhân viên bán hàng bình thường và nhân viên bán hàng chuyên nghiệp đó chính là khả năng quan sát.
Biểu hiện khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể sẽ tiết lộ thái độ của khách hàng. Hãy quan sát thái độ của họ để quyết định dùng cách ‘trị” họ như thế nào thay vì cứ say sưa giới thiệu sản phẩm như một con robot.
Nếu khách hàng tỏ ra không hài lòng với một đặc điểm cụ thể của sản phẩm hãy cứ cho là họ đúng chứ đừng vội tranh luận với họ. Bạn có thể đưa ra những dẫn chứng để thuyết phục họ, những điểm tốt để biện minh cho sự không hài lòng của họ.
7. Đừng đổ lỗi
Một tư duy rất xấu mà nhiều người bán hàng mắc phải đó là khi không bán được sản phẩm, bạn lại đổ lỗi cho hoàn cảnh hay do khách có “vía nặng”. Mua hay không mua một món hàng là sự lựa chọn của khách hàng. Sản phẩm của bạn không phải nhu cầu của khách, sản phẩm của bạn cũng không thuyết phục được khách hàng hoặc đơn giản do họ không thích bạn. Muốn trở thành người bán hàng tuyệt vời chớ vội đổ lỗi cho khách, hãy xem xét lại mình vì sao không được khách lựa chọn.