Tập đoàn Google là một trong những tập đoàn khổng lồ thành công trong đầu tư và có chiến lược quản lý nhân sự xuất sắc. Việc ban lãnh đạo Google đầu tư và chăm sóc nguồn lực đáng để cho các doanh nghiệp khác lưu tâm.
1. Tuyển dụng không thông qua điểm số
Khi tuyển dụng bất kỳ một vị trí nào trong công ty, người quản lý nhân sự thường sẽ nhìn vào bảng điểm tại trường đại học của các ứng viên. Nhưng tại Google thì khác, với cương vị là chuyên gia phân tích dữ liệu, Laszlo Bock đã trả lời tờ New York Times rằng GPA (điểm tích lũy trung bình) hay bài kiểm tra chẳng có ý nghĩa gì trong việc lựa chọn nhân viên cả, trừ khi công ty của bạn sẵn sàng đào tạo họ lại từ đầu.
Phân tích về chiến lược quản lý nhân sự này, người đứng đầu bộ phận nhân sự phân tích: “Sau 2 hay 3 năm, bạn sẽ nhận ra những kỹ năng cần có để sống sót tại Google hoàn toàn chẳng có mối liên hệ nào với ngày còn đi học, vì những gì bạn được dạy khi còn ngồi ở giảng đường hoàn toàn khác so với nơi đây. Về cơ bản, bạn sẽ dần khoác chiếc “áo mới”, cách tư duy, học hỏi và phát triển - mọi thứ đều khác đi”.
Với chiến lược khác người này, tập đoàn Google có đến 14% nhân viên tại các phòng ban khác nhau chưa từng đặt chân vào giảng đường đại học.
2. Nhân viên được tự do trong khuôn khổ
Laszlo Bock, Phó Chủ tịch phụ trách mảng hoạt động nhân viên của Google chia sẻ: “Hãng luôn cố gắng tạo ra những điểm sinh hoạt chung mà mọi người có thể dễ dàng kết nối với nhau”. Nhân sự làm việc tại Google sẽ luôn được tự do đưa ra ý tưởng. Google café là nơi nhân viên được khuyến khích gặp gỡ, trao đổi, chuyện trò và chia sẻ quan điểm của mình về công việc cũng như cuộc sống.
Không như những doanh nghiệp khác, Google không coi việc nhân viên uống café để tán dóc và giảm hiệu suất lao động, ngược lại họ coi việc nhân việc có thể chia sẻ với nhau là một điểm quan trọng nếu không nói là mấu chốt trong hoạch định.
Làm việc tại Tập đoàn này, tất cả nhân viên đều có thể gửi mail cho ban quản trị. Cuộc họp được diễn ra thứ 6 hàng tuần mang tên “ ơn chúa thứ 6 rồi” là một trong những sự kiện quan trọng nhất. Trong cuộc họp này, người đứng đầu hệ thống sẽ trao đổi với tất cả nhân viên các vấn đề trong tuần xảy ra ở công ty. Đặc biệt, nhân viên được khuyến khích trao đổi bất kỳ vấn đề gì mà họ quan tâm.
Lý giải cho chiến lược quản lý nhân sự này, ông Laszlo Bock đã nói rằng:
“Khi thực hiện chiến lược quản trị như thế, nhân viên sẽ biết bản thân được tự do trong một chừng mực nhất định và có thể làm bất cứ điều gì mình mong muốn trong khuôn khổ đó. Nếu một người quản lý kìm kẹp, can thiệp sâu và nhúng tay vào quá nhiều việc, cấp dưới sẽ chẳng biết đường nào mà lần. Khi ấy, phần lớn trường hợp nhân viên sẽ không biết điều gì nên hay không nên làm, dần dà dẫn tới sự bức bách và bó hẹp trong môi trường làm việc.”
3. Thay vì tập trung vào lãnh đạo Google tập trung vào nhân viên
Tại Google, tập đoàn cũng rất tập trung phát triển công cụ như “moderator” để quản lý các cuộc họp hay trao đổi công nghệ. Thông qua “moderator” nhân viên có thể đưa ra bất kỳ câu hỏi khi tổ chức sự kiện nào đó và bỏ phiếu chọn câu hỏi họ cho là thú vị và sắc sảo nhất. chính vì vậy, khi sự kiện diễn ra, nội dung của nó đã được xây dựng và đóng góp bởi tất cả mọi người.
Ở cấp cao hơn như cấp độ đội nhóm, Google cũng thường xuyên phỏng vấn nhân viên quản lý và dựa trên các thông tin này để đánh giá năng lực của họ. Nhà quản lý tốt nhất sẽ trở thành hình mẫu cho các nhà quản lý khác, đồng thời sẽ là người dạy kỹ năng quản lý cho năm tiếp theo. Các nhà quản lý nhận nhiều phàn nàn nhất sẽ phải tham gia các khóa huấn luyện tăng cường nhân lực. Thay vì cách quản lý nhân sự truyền thống là tập trung vào lãnh đạo, Google tập trung vào nhân viên và việc thay đổi cục diện này giúp nhân viên tự tin hơn vào năng lực của mình.
4. Đặt giá trị tinh thần làm mục tiêu kinh doanh
Khác với cách quản lý nhân sự của các doanh nghiệp lớn trên thế giới là tập trung vào lợi ích, lợi nhuận của công ty, Google lại đặt giá trị tinh thần làm mục tiêu kinh doanh.
Theo Laszlo Bock nói: “Nhiệm vụ thế này giúp cho mỗi cá nhân tìm ra được ý nghĩa trong công việc của mình, vì nó gắn liền với các giá trị đạo đức và tinh thần hơn chỉ đơn thuần là một mục tiêu kinh doanh”.
Chính vì chiến lược quản lý nhân sự đặc biệt không giống ai này mà Google thu hút và giữ chân được các nhân tài đến với mình. Google cho nhân viên của mình thấy, họ đang cho nhân viên một sự nghiệp chứ không phải là một công việc đơn thuần.
5. Sẵn sàng chia sẻ mọi thứ
Các Googler được quyền truy cập lộ trình sản phẩm, kế hoạch ra mắt, báo cáo tình trạng nhân viên hàng tuần, hàng quý, thậm chí cả việc nhân viên khác đang làm gì kể cả đối với người mới nhận việc. Cách quản lý nhân sự này nghe có vẻ bất cập vì không thể chắc các Googler sẽ bảo mật thông tin. Tuy vậy, tập đoàn vẫn làm bằng sự tin tưởng tuyệt đối các nhân viên của mình.
Sẵn sàng chia sẻ mọi thứ là chiến lược nhân sự góp phần nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, liên hiệp của các phòng ban, giảm bớt sự cạnh tranh cũng như việc “đâm sau lưng” hay thói quan liêu giữa cấp trên với cấp dưới. Với chính sách này, mọi người trong công ty sẽ hiểu rõ được mục tiêu của các phòng ban là khác nhau, nhờ đó mà tránh việc ganh đua nội bộ.
Nói về văn hóa “chia sẻ mọi thứ”, Phó Chủ tịch phụ trách mảng hoạt động nhân viên của Google ngắn gọn chia sẻ: ““Nếu doanh nghiệp của bạn thực sự tự tin nói rằng nhân viên của chúng tôi là tài sản quý giá nhất thì việc minh bạch và chia sẻ này phải là mặc định. Nếu không làm được thì bạn chỉ đang tự gạt mình gạt người mà thôi. Một mặt, bạn nói nhân viên của mình quan trọng nhưng mặt khác, bạn lại đối xử với họ chẳng ra chi cả”.