Xây dựng chiến lược kinh doanh cũng giống như việc đưa ra những ý tưởng bán hàng độc đáo, mới lạ nhằm thu hút khách hàng để tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Và trước khi “nảy” ra những ý tưởng hay ho đó, chủ doanh nghiệp cần phải trả lời 5 câu hỏi sau.
1. Ai là khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp?
Khách hàng mục tiêu là đối tượng đứng đằng sau gián tiếp giúp doanh nghiệp tồn tại, duy trì và phát triển trên thị trường. Một doanh nghiệp, công ty dù có quy mô lớn đến đâu mà không có người mua hàng thì cũng sớm phá sản, đóng cửa. Thế nên mới có câu: “Khách hàng là thượng đế”, khách hàng chính là người làm giàu cho doanh nghiệp.
Việc xác định khách hàng mục tiêu giúp bạn ít tốn thời gian và công sức trong việc định hướng sản phẩm và chiến lược kinh doanh của công ty. Các sản phẩm công ty sản xuất ra nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm đó phải phù hợp với những đặc điểm, điều kiện sống, khả năng chi trả của khách hàng.
Một số doanh nghiệp cho rằng mình cần tiếp cận càng nhiều khách hàng càng tốt nhưng đó lại là lý do chính khiến công ty hoạt động không hiệu quả. Việc xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu sẽ giúp bạn phân bổ tài nguyên và nguồn lực tối đa của doanh nghiệp từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và dẫn đến thành công.
2. Mục tiêu quan trọng nhất doanh nghiệp theo đuổi là gì?
Xác định mục tiêu kinh doanh đúng đắn sẽ giúp bạn có những chiến lược đúng đắn. Tùy vào từng mục tiêu được xác định tại mỗi thời điểm nhất định mà chiến lược cũng thay đổi theo.
Đặt ra mục tiêu không phải để đó mà còn phải thực thi mục tiêu đó bằng việc giải trình và giám sát công việc. Kết quả kinh doanh sẽ không đạt hiệu quả nếu chỉ tiêu công việc mà bạn tập trung vào không hợp lý hay các biện pháp giám sát không hiệu quả.
3. Giá trị cốt lõi bạn dành cho khách hàng, cổ đông hay nhân viên?
Đi cùng với việc xác định đối tượng khách hàng mục tiêu, các doanh nghiệp cũng cần phải xác định những giá trị cốt lõi, trong đó có 3 đối tượng được nhắc tới: nhân viên, khách hàng và cổ đông. Trong 3 đối tượng này bạn chọn sẽ chọn ai là đối tượng ưu tiên?
Các giá trị được đặt ra không đơn giản chỉ là liệt kê các hành vi, cách cư xử được mong đợi mà phải xác định được lợi ích của ai là quan trọng nhất để xây dựng những chiến lược phù hợp nhằm thỏa hiệp những lợi ích đó.
Tại một số công ty, quyền lợi của cổ đông sẽ quan trọng nhất trong khi một số công ty khác lại đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu và số còn lại lại cho rằng đối tượng cần ưu tiên nhất là nhân viên. Không có sự ưu tiên nào được cho là đúng hay sai và cùng không có điều tuyệt đối. Việc lựa chọn giá trị cốt lõi chỉ giúp bạn định hướng được những chiến lược kinh doanh xây dựng là dành cho ai mà thôi.
Ví dụ như tập đoàn dược phẩm khổng lồ Merck lựa chọn giá trị cốt lõi là khách hàng nên đã chịu mất doanh thu 20 tỷ đô khi quyết định rút Vioxx - loại thuốc điều trị viêm khớp và giảm đau cấp tính ra khỏi thị trường để bảo vệ người tiêu dùng.
4. Những rủi ro khi thực hiện chiến lược kinh doanh sẽ là gì?
Khi xây dựng chiến lược kinh doanh trên giấy doanh nghiệp sẽ cảm thấy rất suôn sẻ, thậm chí nghĩ rằng mình nắm chắc phần thắng trong tay. Tuy nhiên khi đưa những chiến lược ấy thành hành động cụ thể sẽ thấy có rất nhiều vấn đề phát sinh xảy ra.
Mỗi chiến lược đều ẩn chứa trong nó những rủi ro nhất định và những rủi ro phát sinh không lường trước được khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động, lúng túng không biết giải quyết thế nào.
Do vậy, việc kiểm soát được rủi ro là điều cần thiết doanh nghiệp bạn phải làm. Hãy chắc chắn rằng tất cả các sáng kiến đều nằm trong đường ray mà bạn đã định sẵn và giới hạn rủi ro cũng sẽ giúp bạn tránh mắc phải các hành động sai lầm dẫn đến phá sản.
5. Làm thế nào để khách hàng chấp nhận cái mới?
Vẫn biết rằng những sản phẩm được doanh nghiệp đưa ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên những sản phẩm đó vẫn cần được cải tiến và đổi mới. Đây là nhiệm vụ sống còn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Nếu bạn không chịu tư duy, không chịu đổi mới dịch vụ, sản phẩm thì doanh nghiệp bạn sẽ chỉ là kẻ chạy theo sau xu hướng và thời đại.
Việc cải tiến và thay đổi sản phẩm đã khó, việc khiến khách hàng thích nghi được với những sản phẩm mới đó lại càng khó hơn. Những khách hàng Á Đông thường có lối sống ưa những thứ quen thuộc, gắn bó với mình từ lâu nên rất khó để khiến họ thay đổi suy nghĩ và làm quen với cái mới. Do vậy khi cải tiến, sáng tạo, thay đổi hãy giữ lại những thứ thuộc về “đặc trưng” thương hiệu chỉ cải thiện những thứ chưa tốt để khách hàng vẫn cảm thấy thân thuộc khi sử dụng sản phẩm mà vẫn cảm nhận được chất lượng sản phẩm đang ngày một tốt lên.
Việc xây dựng chiến lược kinh doanh nhằm xác định những cách thức và phương pháp kinh doanh để đạt hiệu quả cao nhất. Quá trình xây dựng cũng như đưa ra những ý tưởng kinh doanh đòi hỏi phải có sự sáng tạo, độc đáo, mới lạ để thu hút khách hàng. Và 5 câu hỏi trên là những điều cơ bản nhất bạn phải xác định và trả lời được trước khi nghĩ ra những sáng kiến mới mẻ.