Giám đốc Marketing có vai trò thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp. Keith Ferrazzi - hà sáng lập, CEO của công ty tư vấn và đào tạo Ferrazzi Greenlight, đồng thời là tác giả của quyển sách Never eat alone (tựa Việt: Đừng bao giờ đi ăn một mình), trong bài viết mới nhất của ông được đăng trên tạp chí Harvard Business Review, ông đã đưa ra 3 lời khuyên dành cho các giám đốc Marketing (CMO).
Dưới đây là bài viết của Ferrazzi:
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi công ty tư vấn và tìm kiếm nguồn nhân sự cấp cao Spencer Stuart, 2018 là năm sa thải giám đốc marketing của hàng loạt công ty.
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, đây không phải là điều bất ngờ đối với tôi. Trong thời gian làm công tác huấn luyện cho ban điều hành của nhiều doanh nghiệp hay khi đảm nhận vị trí CMO tại Deloitte Consulting và Starwood Hotels & Resorts, tôi đã chứng kiến nhiều tập thể lâm vào thế bế tắc chỉ vì CMO.
Mặc dù vai trò của một giám đốc marketing ngày càng được mở rộng và biến đổi theo thời gian, nhưng dường như các thành viên ban điều hành vẫn giữ nguyên quan niệm rằng, CMO phải là người thấu suốt từng một ngóc ngách có liên quan đến vai trò của mình. Dẫu vậy, trong phần lớn trường hợp, cách suy nghĩ này lại chính là con đường dẫn đến thất bại.
Thay vì phải nắm bắt mọi thứ, một CMO nếu muốn mang đến thành công cho tổ chức, cần làm tốt vai trò thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp, và quản trị tốt 4 đòn bẩy thiết yếu đối với sự tăng trưởng dưới đây.
-
Quản trị thương hiệu: Quản trị, phát triển thương hiệu doanh nghiệp là vai trò và trách nhiệm cơ bản của một CMO. Ngoài nhiệm vụ xây dựng chiến lược và khẳng định vị thế thương hiệu trên thị trường, CMO còn cần là người khơi nguồn sáng tạo, cũng như đề ra lộ trình phát triển rõ ràng cho thương hiệu: nó đang ở đâu, sẽ đi đến đâu và đến đó như thế nào.
-
Tiếp thị sản phẩm: Để làm tốt hoạt động này, CMO cần sở hữu năng lực nắm bắt thông tin, báo cáo phân tích từ tất cả các nguồn ghi nhận trải nghiệm khách hàng của doanh nghiệp. Qua đó, xây dựng các giải pháp phù hợp và cụ thể, hỗ trợ đắc lực cho bộ phận phát triển sản phẩm.
-
Xử lý dữ liệu và báo cáo phân tích: Nổi lên nhanh chóng trong những thời gian qua, nhìn chung, đây là kỹ năng đôi lúc đi ngược lại với vai trò sáng tạo truyền thống của một CMO. Đòi hỏi sự chính xác, chặt chẽ, đây là vai trò thiên về con số và nguồn dữ liệu, mà nhiều trong số chúng thậm chí còn không tồn tại cho đến vài năm gần đây.
-
Thúc đẩy doanh số: Thông thường, đây không phải công việc chính của CMO, mà là trách nhiệm thuộc về duy nhất đội ngũ bán hàng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thất bại trong việc thúc đẩy doanh số lại trở thành “mồ chôn” đối với CMO; vì đơn giản, lợi nhuận và doanh số bán hàng luôn luôn là ưu tiên số một.
Đó cũng là lý do vì sao tại một số doanh nghiệp, phòng kinh doanh hoàn toàn phớt lờ hoạt động marketing và kiểm soát mọi thứ, chỉ để lại vai trò quản trị thương hiệu dành cho marketer mà thôi.
Và, khi quan sát nguyên nhân dẫn đến sự sa thải các CMO, tôi đã đúc kết được 3 bài học lớn, cần thiết cho một giám đốc marketing như sau:
1. Nhận thức đúng về trách nhiệm của mình
Bạn có thể sẽ dành nhiều thời gian và nỗ lực cho một hoặc hai nội dung được liệt kê trong bảng mô tả công việc - thường là những thứ mà bạn cảm thấy mình thực sự giỏi. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, bạn phải chịu trách nhiệm với toàn bộ chúng.
Nghĩa là, bạn phải đảm bảo mọi thứ được vận hành một cách đầy đủ, trơn tru, song không nhất thiết phải tự tay hoàn thành tất cả. Cố gắng làm mọi thứ một mình thường chỉ dẫn đến thất bại mà thôi.
Bạn không cần lúc nào cũng phải đích thân chỉ đạo cái này hay định hướng cái kia. Nếu điều phối tốt, giải pháp sẽ đến từ các thành viên khác. Điều này nghe có vẻ khó chịu, tùy theo cái tôi của bạn lớn đến bao nhiêu.
Song, một người bạn của tôi từng nói thế này, giống như khi chơi golf, chẳng ai quan tâm đến số gậy bạn tính toán để đưa banh vào lỗ cả; vì bạn đến đích như thế nào không quan trọng, quan trọng là bạn đến được đích.
2. Xây dựng đội ngũ bổ trợ lẫn nhau
Là một CMO hiện đại, đội ngũ của bạn nên bao gồm trưởng phòng sản xuất, trưởng phòng kinh doanh, trưởng ban chiến lược, nhân viên xử lý, phân tích dữ liệu, cũng như các cá nhân sáng tạo nhất công ty và có nhận thức về thương hiệu doanh nghiệp.
Và đương nhiên, không thể thiếu CEO. Thành công thực sự của một nhà điều hành không đến từ những bản báo cáo, mà dựa trên năng lực xây dựng đội ngũ và khả năng dẫn dắt thành viên khác thông qua quyền lực mềm.
Tôi có khá nhiều người bạn làm CMO đang phải đối diện với nguy cơ bị sa thải. Một trong số họ rất giỏi việc xây dựng khách hàng tiềm năng, hỗ trợ field marketing cũng như phân tích dữ liệu, nhưng lại thiếu năng lực hợp tác trong xây dựng chiến lược và phát triển sản phẩm sáng tạo.
“Tử huyệt” này lẽ ra đã không tồn tại, nếu như cô ấy biết cách phối hợp với trưởng phòng sản xuất để bù đắp cho những thiếu sót của mình. Rất nhiều nhà điều hành cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự và chẳng mảy may nhận ra rằng, điều họ thiếu không phải kỹ năng, mà là sự hợp tác với những người sở hữu kỹ năng có thể bù đắp cho thiếu sót của họ.
3. Chấp nhận sự khác biệt của những thành viên khác
Tôi thường chứng kiến nhiều CMO gặp thất bại, rồi đổ lỗi cho cách làm việc của những thành viên khác. Trở thành người giảng hoà bất đắc dĩ giữa giám đốc kinh doanh, giám đốc sản phẩm với giám đốc marketing là chuyện thường xuyên xảy đến với tôi.
Có thể nói, việc ai là người giữ vị trí dẫn dắt doanh nghiệp tăng trưởng không quan trọng; quan trọng là bạn làm tốt nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng của mình. Dù người dẫn dắt có là CEO, giám đốc kinh doanh, hay giám đốc sản phẩm, thì trách nhiệm của bạn vẫn giữ nguyên và công việc của bạn cũng chẳng hề thay đổi.
Thêm vào đó, họ vẫn là những người đồng đội của bạn. Hãy học cách chấp nhận và làm quen với sự khác biệt của các thành viên trong tổ chức - những người vốn cần sự huấn luyện, khuyến khích và động viên ở mức độ khác nhau.
Và, nhiệm vụ của bạn là phải biết lấy lòng cũng như tương tác với họ. Rất đơn giản để người ta chỉ trích và đổ lỗi, song thành thực mà nói, đó là hành động khắt khe với người khác, mà dễ dãi với bản thân.
Hãy học cách chấp nhận và đừng đề cao bản thân, thay vào đó, hãy luôn nghĩ xem mình có thể làm được gì. Hãy tự hỏi bản thân, phải làm thế nào xây dựng mối quan hệ và lấy lòng các thành viên khác, để nhờ đó mà mang lại kết quả tốt nhất cho doanh nghiệp?