Để lựa chọn mô hình quản lý nhân sự cho doanh nghiệp, người lãnh đạo cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: quy mô, bản chất, tầm nhìn và đặc trưng văn hóa của doanh nghiệp mình. 2 mô hình quản lý nhân sự phổ biến: mô hình chiều ngang và mô hình chiều dọc, muốn quản lý tốt doanh nghiệp cần hiểu rõ được ưu và nhược điểm để áp dụng linh hoạt, hiệu quả.
1. Mô hình nhân sự phổ biến: mô hình theo chiều dọc và mô hình theo chiều ngang
Có hai mô hình quản lý nhân sự phổ biến được các doanh nghiệp áp dụng đó là: mô hình quản lý theo chiều ngang và mô hình quản lý theo chiều dọc. Trong khi, mô hình quản lý theo chiều ngang được nhiều công ty startup lựa chọn – lấy nhân viên làm trung tâm và giảm thiểu sự quản lý theo cấp bậc thì mô hình quản lý theo chiều dọc lại được các doanh nghiệp “đàn anh” lựa chọn nhiều hơn – phân cấp quyền hạn rõ rệt theo cấp bậc nhân viên.
Không có mô hình quản lý nào được cho là sai hoàn toàn hay đúng hoàn toàn. Doanh nghiệp lựa chọn mô hình quản lý dựa trên yếu tố: quy mô, bản chất, tầm nhìn và đặc trưng văn hóa. Miễn sao mô hình quản lý đó phù hợp với doanh nghiệp mình và đem lại hiệu quả thực tế cho công ty. Với 2 mô hình quản lý phổ biến trên, các nhà lãnh đạo cần có cách nhiều đa chiều để áp dụng và không gây khó khăn bất lợi cho doanh nghiệp.
2. Lựa chọn 2 mô hình quản lý nhân sự phổ biến
Trên – dưới hay đồng đẳng
Đối với mô hình quản lý theo chiều dọc, các quyết định sẽ được thực hiện từ trên xuống với mức độ quan trọng giảm dần. Mô hình này đề cao người lãnh đạo, trưởng các phòng ban hoặc những người có tiếng nói trong doanh nghiệp. Nhân viên sẽ nhận việc từ cấp trên và thực hiện nó mà không được đóng góp bất cứ ý kiến nào. Đối với các doanh nghiệp lớn, cách quản lý nhân sự này khá hiệu quả, bởi không cần chờ đợi sự nhất quán từ tất cả mọi người, các quyết định đưa ra đều nhanh chóng và được thực hiện ngay.
Đối với mô hình theo chiều ngang, tất cả các nhân viên đều được đóng góp đưa ra ý kiến của mình. Thường thì, cách quản lý này sẽ được các doanh nghiệp nhỏ hay các công ty startup áp dụng. Các doanh nghiệp nhỏ thường có bộ máy lãnh đạo khá ít người và trình độ chuyên môn của nhân viên khá đồng đều. Nên “nhiều cái đầu hơn một cái đầu” là cách họ quản lý nhân viên của mình.
Đề cao tinh thần chia sẻ hay vạch rõ ranh giới
Vì có hệ thống phân cấp rõ ràng nên mô hình quản lý theo chiều dọc xác định được mục tiêu và trách nhiệm của người đứng đầu. Với mô hình này, Tổng Giám đốc là người có vị trí cao nhất, họ sẽ trao quyền lãnh đạo nhân viên cho những nhà lãnh đạo ở cấp thấp hơn như giám đốc các bộ phận, trưởng các phòng ban. Với sự phân công cụ thể, rõ ràng đó, khi nhà lãnh đạo muốn biết tình hình công việc tại vị trí nào đó, họ chỉ cần người quản lý tại vị trí đó báo cáo. Không hề có sự mơ hồ hay đùn đẩy trách nhiệm nào trong việc báo cáo công việc mà người quản lý đã được giao từ trước.
Ngược lại, với mô hình quản lý theo chiều ngang, các nhân viên đồng đẳng với nhau. Ngoài nhà lãnh đạo, không có ai hơn quyền ai. Chính bởi vậy, nhân viên không phải lúc nào cũng sẽ biết mình phải báo cáo công việc cho ai, báo cáo như thế nào. Mặc dù, tính chất “phẳng” giúp nhân viên làm việc dễ thở hơn và dễ được công nhận những đóng góp của mình đối với công ty nhưng họ lại bị cảm thấy mơ hồ, không rõ đường đi đối với vị trí của mình.
Đặc biệt, họ sẽ làm khách hàng/đối tác của mình cảm thấy chưa đủ tin tưởng để làm việc cùng khi họ không có nhiều quyền hành trong công ty.
Mức độ minh bạch
Một ưu điểm lớn trong mô hình quản lý nhân sự theo chiều ngang là luôn đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng. Chính bởi đặc điểm “đồng nhất” trên mọi khía cạnh nên thông tin được truyền đến nhân viên cũng cùng lúc. Việc sắp xếp thông tin và phối hợp làm việc luôn được dựa trên sự nhất quán và tinh thần đề cao nhân viên.
Đó cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất của mô hình quản lý theo chiều dọc và mô hình quản lý theo chiều ngang. Mô hình quản lý theo chiều dọc, thông tin sẽ được chia sẻ dựa trên cơ sở chọn lọc thông tin, rồi mới truyền đạt thông tin. Có những thông tin chỉ có cấp lãnh đạo và nhà quản lý biết, nhân viên không được biết vì sợ lộ bí mật thông tin doanh nghiệp. Do nhân viên tiếp cận thông tin qua nhiều tầng lãnh đạo nên không thể tránh khỏi nhầm lẫn, tam sao thất bản và không chính xác.
Có thể rút ra rằng, tính minh bạch là đặc trưng nổi bật của mô hình quản lý theo chiều ngang – luôn lấy nhân viên làm trung tâm. Còn với mô hình quản lý theo chiều dọc, tính minh bạch của công ty hoàn toàn phụ thuộc vào ban lãnh đạo.
Cảm giác bị phân biệt “người trên – kẻ dưới”
Tính chất của mô hình quản lý nhân sự theo chiều dọc khiến nhân viên cảm giác có ranh giới rạch ròi với người quản lý. Nhân viên phải giữ chừng mực với lãnh đạo và người quản lý. Tuy nhiên, cách quản lý này lại gián tiếp thúc đẩy nhân viên phát triển bản thân nhiều hơn. Họ sẽ có động lực để làm việc tốt hơn, sớm “leo” lên một bậc thang cao hơn chức vụ hiện tại.
Còn mô hình quản lý theo chiều ngang, tuy có thể xóa bỏ khoảng cách giữa nhân viên và người quản lý nhưng không mang đến cơ hội cho họ phát triển khả năng của mình. Họ cảm thấy mình luôn ở mức độ đạt được “tối đa” nên không có động lực học hỏi và phát triển.
3. Kết Luận: Áp dụng linh hoạt 2 mô hình quản lý nhân sự để đạt hiệu quả tối đa cho doanh nghiệp
Dù áp dụng mô hình quản lý nhân sự nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Doanh nghiệp cần phải cân bằng giữa hai mô hình để có cách quản lý hiệu quả nhất.