- Tất cả các doanh nghiệp đều có văn hóa riêng của mình. Văn hóa mỗi nơi sẽ được định hình từ giá trị, mục tiêu, con người của tổ chức …. Tất cả các yếu tố này, dù nhỏ đến đâu, cũng sẽ góp phần tạo nên môi trường làm việc hàng ngày. Một công ty có văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ khiến nhân viên cảm thấy được trân trọng, an toàn, thoải mái, có nhiều cơ hội phát triển, từ đó khiến cho toàn bộ nhân viên làm việc năng suất hơn nhiều lần. Đó là lí do mà việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp luôn được các giám đốc đề cao. Tuy rằng việc mỗi doanh nghiệp lại có điểm khác biệt khiến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở mỗi công ty lại khác nhau, tuy nhiên trong bài viết này sẽ giới thiệu 5 bước cơ bản để xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp.
1. Gia tăng sự gắn bó của nhân viên với công ty:
Bước đầu tiên của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là tăng cường sự gắn bó của nhân viên với công ty. Việc nhân viên cảm thấy gắn bó với công việc và môi trường làm việc của họ là điều vô cùng quan trọng để tạo nên những mối quan hệ tích cực trong môi trường làm việc, từ đó xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh. Khảo sát cho thấy khi nhân viên gắn bó chặt chẽ với công ty thì họ sẽ tăng năng suất lên 17% và giảm tỉ lệ nghỉ làm đột xuất đi 41%.
Để xây dựng sự gắn bó của nhân viên, sau đây là 1 vài gợi ý:
- Xây dựng đội ngũ lãnh đạo tốt. Văn hóa doanh nghiệp luôn đi từ trên vị trí của những người lãnh đạo xuống đến nhân viên
- Cung cấp cho đội ngũ lãnh đạo những nguồn lực cần thiết để họ có thể tuyển dụng và giữ chân được nhân tài.
- Tất cả các thành viên trong công ty sẽ cùng nhau đặt ra những mục tiêu rõ ràng, khả thi. Tất cả thành viên của doanh nghiệp cần phải rõ được mục tiêu của họ, của phòng ban họ đang làm việc, và của toàn công ty. Tất cả những mục tiêu này cần liên quan trực tiếp đến công việc hàng ngày của họ, và những mục tiêu này cũng cần thực tế, không viển vông.
Sẽ không bao giờ có thành công đến với người không làm gì. Việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp là công việc hàng ngày, vậy nên nếu bạn chưa làm thì cần bắt tay vào làm ngay thôi. Bước khởi đầu tốt nhất là làm 1 khảo sát cho toàn bộ thành viên trong công ti để đánh giá mức độ gắn bó của các nhân viên.
2. Giữ chân nhân viên lâu hơn
Trong tất cả những quyển sách, giáo trình, bài viết chia sẻ về cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp, việc giữ chân nhân viên luôn luôn được đề cập đến. Sẽ luôn có những nhóm ngành nghề mà việc giữ chân nhân viên gần như không thể - ví dụ như nhóm ngành nhà hàng café. Tuy nhiên vẫn có những công ty trong lịch sử có truyền thống giữ chân nhân viên trên 20 năm hoặc lâu hơn.
Tuy nhiên, một thực tế là trong những năm gần đây, CV ứng tuyển luôn là 1 bảng thành tích dài 1-2 năm kinh nghiệm ở những công ty khác nhau. Theo 1 khảo sát gần đây, có đến 50% số nhân viên luôn chủ động tìm kiếm những công việc tốt hơn (dù đang có công việc ổn định), và 35% số nhân viên đã từng nhảy việc trong ít nhất 3 năm vừa qua. Đây chắc chắn là những con số báo động cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Vậy nên, để giữ chân nhân viên, sau đây là 1 vài gợi ý:
- Việc tăng lương phải được diễn ra đều đặn, công bằng
- Cơ hội thăng tiến trong công việc phải rõ ràng. Rất nhiều nhân viên trong độ tuổi 9x rời bỏ công việc đang làm vì cơ hội thăng tiến không có hoặc không rõ ràng.
- Tạo cho nhân viên cảm giác ổn định. Công ty không ổn định sẽ khiến nhân viên muốn rời đi càng sớm càng tốt.
3. Cho phép thoải mái giờ làm việc
Ngày nay người làm việc không hề muốn bị bó buộc vào việc phải làm 5-6 ngày/tuần và 8h/ngày. Đã có nhiều công ty ứng dụng thời gian làm việc linh hoạt, thậm chí vài công ty đã tiến đến đẩy mạnh việc này thành 1 phần của quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Bạn có thể xem xét đến việc cho phép làm tại nhà 1-2 ngày/tuần hoặc linh hoạt trong thời gian bắt đầu đi làm của nhân viên, miễn là họ làm đủ giờ.
Những báo cáo gần đây cho thấy rằng việc linh hoạt giờ làm hoặc có thể làm việc tại nhà ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định đi hay ở lại công ty của nhân viên. Trên 50% nhân viên trong cuộc khảo sát gần nhất nói rằng họ sẽ nghiêm túc xem xét chuyển công việc nếu như công việc mới có thời gian linh hoạt. Thậm chí 37% nhân viên khẳng định chắc chắn sẽ chuyển việc nếu công việc mới cho phép làm tại nhà 1 phần thời gian làm việc. Rất nhiều các chuyên gia tư vấn xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngày nay đồng ý rằng thoải mái thời gian làm việc sẽ là mấu chốt của xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong 10 năm tới.
4. Tăng cường giao tiếp giữa các nhân viên trong công ty
Sẽ chẳng có tổ chức nào có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp mà không có 1 hệ thống giao tiếp liên lạc giữa các thành viên tốt. Có thể trong công ty của bạn mọi người vẫn vui vẻ nói chuyện cười đùa với nhau, nhưng chưa chắc như thế đã đủ tốt. Giao tiếp giữa các thành viên để xây dựng văn hóa doanh nghiệp là giao tiếp trao đổi công việc khi làm việc để tất cả mọi thành viên trong công ty đều thực hiện tốt vai trò của mình.
Rất nhiều công ty vẫn còn chưa chú trọng đủ vào mặt này của quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tình trạng sợ sếp, ngại nói, ôm việc ở các công ty Việt Nam là rất phổ biến, và đây thật sự là những văn hóa doanh nghiệp độc hại, trực tiếp làm giảm hiệu suất công việc.
5. Xây dựng thương hiệu cho văn hóa doanh nghiệp
Đây là lời khuyên nghe có vẻ mơ hồ nhất, nhưng thật ra đây mới là lời khuyên mà bạn cần nhất trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Mỗi công ty sẽ hoạt động kinh doanh ở 1 lĩnh vực khác nhau, vì vậy chắc chắn là không công ty nào giống công ty nào. Nếu như bạn có thể xây dựng sự khác biệt riêng về văn hóa doanh nghiệp cho công ty của mình, bạn sẽ nổi bật hơn những công ty khác.
Từ sự nổi bật này, tự các nhân tài sẽ tìm đến với công ty bạn. Tuy nhiên bạn luôn chú ý rằng điểm khác biệt trong văn hóa doanh nghiệp của mình phải phù hợp với tình hình thực tế, có lợi cho người lao động. Chỉ như thế bạn mới có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp một cách bền vững.
Tham khảo: https://www.surveymonkey.com/mp/how-to-build-a-healthy-work-culture/